Hiện nay, cùng với việc tăng mạnh nhu cầu sử dụng thịt gà thả vườn của người dân, thì việc chăn nuôi gà thả vườn cũng ngày càng phát triển, kỹ thuật nuôi gà mái đẻ thả vườn là yếu tố tiên quyết để có nhiều trứng và con giống có chất lượng cao.
Hiện nay, cùng với việc tăng mạnh nhu cầu sử dụng thịt gà thả vườn của người dân, thì việc chăn nuôi gà thả vườn cũng ngày càng phát triển, kỹ thuật nuôi gà mái đẻ thả vườn là yếu tố tiên quyết để có nhiều trứng và con giống có chất lượng cao.
Nên chọn những mái con của mái mẹ đẻ tốt, không bệnh, ngoại hình chân cao vừa phải, đầu thanh, mắt sáng, mọc lông sớm, khoảng cách giữa xương lườn và xương chậu để lọt bàn tay, bụng mềm mại, lỗ huyệt mọng, khoảng cách giữa hai xương chậu rộng. Chú ý chọn gà giống thuần theo đặc trưng ngoại hình của từng giống, tránh pha tạp.
Tỷ lệ ghép đàn phụ thuộc giống gà nuôi thả vườn. Gà ri, tàu vàng, ta vàng tỷ lệ 1 trống/10 – 13 mái; gà thịt Đông Tảo 1 trống/5 – 6 mái; gà Mía, gà Hồ 1 trống/7 – 8 mái; căn cứ vào tỷ lệ phôi cao, thấp mà điều chỉnh tỷ lệ trống/mái cho thích hợp.
Chuồng nuôi và chế độ ánh sáng
Diện tích chuồng nuôi: đảm bảo mật độ 4 – 6 con/m2. Chuồng phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nhiệt độ thích hợp cho gà mái đẻ là 18 – 20oC, độ ẩm không khí trong khu vực chuồng tốt nhất là 70 – 75%, nếu ẩm độ cao gà dễ bị các bệnh tật, khi chuồng bị ướt cần thay chất độn chuồng. Vấn đề chiếu sáng: ánh sáng đối với gà đẻ là rất cần thiết. Ánh sáng đầy đủ, tạo hoóc môn kích thích bao noãn phát triển, đẩy mạnh sự phát triển của buồng trứng, gà sẽ đẻ nhiều. Nhu cầu ánh sáng của gà mái trong một ngày đêm là: gà mái 19 tuần tuổi – 13 giờ chiếu sáng, 20 tuần tuổi – 14 giờ và 21 tuần tuổi – 15 giờ chiếu sáng, từ 148 ngày tuổi, gà mái cần 16 giờ chiếu sáng/ngày đêm. Nước ta khí hậu nhiệt đới, mùa hè ánh sáng chói chang, lượng chiếu sáng tự nhiên là đủ, song về mùa đông âm u, ngày ngắn đêm dài thiếu ánh sáng, cần chiếu sáng bổ sung với cường độ 30 lux, tương đương bóng đèn 3W/m2 treo cao 2 – 2,5 m, như thế gà đủ ánh sáng sẽ đẻ sớm và đẻ rộ.
Cho ăn
Đối với gà mái đẻ, ngoài nhu cầu thức ăn để duy trì cơ thể còn cần lượng dinh dưỡng để sản xuất ra trứng, do đó cần bổ sung các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, khoáng, vitamin vào khẩu phần ăn. Việc cho ăn đối với gà mái đẻ thả vườn tuỳ thuộc vào mức độ kiếm ăn được nhiều hay ít ngoài vườn thả, bằng cách quan sát diều có no hay không mà cho ăn bổ sung nhiều hay ít, trung bình cho ăn thêm lượng thức ăn hỗn hợp 40 – 50g/ngày/con, trong đó tỷ lệ đạm 15%, chất béo 6%, lượng rau xanh 50%.
Để gà mái đẻ thả vườn đẻ tốt, cần chú ý thêm những vấn đề sau:
Cai ấp cho gà: các giống gà nội Việt Nam có bản năng đòi ấp mạnh, thời gian gà đòi ấp sẽ ngừng đẻ trứng. Do vậy để có sản lượng trứng cao cần tiến hành cai ấp cho gà mái không có ý định cho ấp. Có thể làm như sau: cho gà vào chuồng thoáng đãng, không có ổ đẻ, cho ăn đầy đủ thức ăn giàu prôtêin và chất xanh, thả chung vào đó một gà trống khoẻ mạnh, hăng để mỗi lần gà mái nằm xuống ấp bóng bị gà trống đòi đạp xua dậy; lúc đòi ấp, thân nhiệt gà mái cao (42oC), có thể tắm cho gà hạ thân nhiệt (mùa hè), đồng thời lông gà ướt, gà không muốn nằm, quên dần việc ấp bóng. Sau khi cai ấp 1 tuần thấy gà không nằm nữa thì thả về chuồng cũ, cho ăn tốt gà sẽ lại đẻ đều. Hiện tượng thay lông: gà thường thay lông vào tháng 7, 8 hàng năm, thời gian kéo dài 2 – 3 tháng. Lông bắt đầu thay từ đầu, ngực bụng, cánh, đuôi. Khi thay lông, gà giảm đẻ, thậm chí ngừng đẻ. Mái đẻ tốt thời gian thay lông ngắn, mái đẻ tồi thời gian thay lông kéo dài. Cần quan sát hiện tượng này để loại thải những con gà mái đẻ kém để đỡ tốn thức ăn. Khi gà bắt đầu đẻ thường bị các bệnh tụ huyết trùng, bạch lỵ (dính đít). Khi gà bị bệnh bạch lỵ thì không dùng trứng để ấp, vì bệnh có thể truyền qua trứng nhiễm vào cơ thể gà con. Ngoài ra gà đẻ hay bị sưng chân nếu chất độn chuồng không đủ dày (5 cm) và bẩn. Cần giữ chất độn chuồng luôn khô ráo và sạch. Sản lượng trứng của gà mái đẻ tuỳ thuộc giống, dao động từ 50 – 100 quả, nếu chăm sóc tốt, gà có thể đẻ 150 – 170 quả.